Nông thôn

Châu Phú khuyến cáo phòng trừ một số dịch hại trên lúa hè thu 2020

12:17 01/07/2020

    

Vụ hè thu năm 2020, huyện Châu Phú xuống giống lúa diện tích hơn 33.000 ha. Đến nay, lúa vào giai đoạn đòng gần 6.900 ha, trổ 6.500 ha, giai đoạn ngậm sữa đến chín khoảng 16.700 ha, thu hoạch diện tích 3.220 ha.

 

Responsive image
 

     Qua thăm đồng thực tế tại địa bàn các xã, thị trấn trong huyện, Đoàn cán bộ kỹ thuật huyện đánh giá, hiện trên các diện tích lúa hè thu đang xuất hiện một số dịch hại như rầy phấn trắng, sâu cuốn lá, cháy bìa lá, sọc trong... với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nhiễm nặng. Cụ thể, diện tích nhiễm rầy cánh trắng hơn 1.700 ha, cháy bìa lá hơn 1.500 ha, sâu cuốn lá gần 3.500 ha. 

     Cùng nông dân chia sẻ kinh nghiệm để quản lý hiệu quả và có những giải pháp phòng trừ dịch hại trong sản xuất lúa hè thu, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức Hội thảo về giải pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên lúa hè thu năm 2020, đặc biệt là rầy phấn trắng và cháy bìa lá, sọc trong vi khuẩn.

     Tại buổi hội thảo, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện chia sẻ: Rầy cánh trắng (hay còn gọi là rầy phấn trắng, rầy cánh phấn, bọ phấn) không phải là loài côn trùng mới trên cây lúa ở nước ta. Từ vụ hè thu năm 1998 đã từng gây hại nặng ở một số nơi như Tiền Giang, Long An; năm 2001 gây hại nhẹ, rải rác ở huyện An Phú, An Giang; vụ hè thu năm 2007, năm 2010 do thời tiết nóng khô, hạn hán kéo dài, rầy cánh trắng phát triển rất mạnh ở một số nơi trong tỉnh. Đến vụ hè thu năm nay, do nắng nóng, hạn hán đầu vụ kéo dài, nên rầy cánh trắng đã tiếp tục bộc phát và gây hại. Để chủ động hạn chế tác hại của rầy cánh trắng, nông dân không nên gieo sạ quá dày, chỉ nên sạ với lượng giống khoảng 100-120 kg/ha. Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, không nên bón thừa đạm. Thường xuyên chăm sóc để lúa phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu của cây lúa.

     Đồng thời, rầy cánh trắng có rất nhiều loài thiên địch trong tự nhiên như bọ cánh lưới, bọ rùa, bọ xít ăn thịt...nhưng chúng dễ bị thuốc trừ sâu giết chết. Do đó, để bảo vệ thiên địch, không nên phun thuốc trừ sâu sớm ở đầu vụ, áp dụng mô hình công nghệ sinh thái để nuôi dưỡng thiên địch. Rầy cánh trắng có vòng đời ngắn, sinh sản nhiều và phát triển mạnh. Để hạn chế tác hại của rầy, nếu thấy thời tiết nắng nóng, phải kiểm tra ruộng lúa thường xuyên và phải kiểm tra kỹ mặt dưới của lá lúa hoặc khua động bụi lúa để rầy bay lên. Chú ý những ruộng bón thừa đạm, lúa tốt; những ruộng đang ở giai đoạn đòng – trổ...nông dân phải quan tâm, thăm đồng thường xuyên để có biện pháp phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả.

     Theo ông Hồ Đăng Long – Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện: “Rầy cánh trắng tấn công trên tất cả các trà lúa, đặt biệt là trên các diện tích lúa giai đoạn đòng - trổ. Rầy cánh trắng phun sẽ bay, do đó để hiệu quả, khi phun xịt phòng trừ nông dân cần cộng thêm chất bám dính. Ngoài chất bám dịch, có thể sử dụng dầu khoáng giúp quản lý rầy cánh trắng tốt hơn”.

     Đối với bệnh cháy bìa lá và sọc trong vi khuẩn, bệnh thường phát triển mạnh và nặng trong điều kiện mưa kéo dài, đặc biệt trên các giống nhiễm như: Nếp, Đài thơm 8, OM 18...Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại đã nhiễm bệnh; dùng giống lúa tốt, kháng sâu bệnh; gieo sạ với mật độ vừa phải, bón đủ lân và kali, không bón thừa đạm. Khi ruộng đã bị nhiễm bệnh nên ngưng bón đạm, thay nước trong ruộng, phun các thuốc đặc trị cho vi khuẩn. Chú ý phun thuốc trừ bệnh khi lá lúa phải khô ráo mù sương hoặc nước mưa để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn theo đường đi, nên phun thuốc khi bệnh chóm xuất hiện do vi khuẩn rất khó phòng trị và phun các loại thuốc đặc trị vi khuẩn có bán trên thị trường. Tuyệt đối khi xử lý thuốc không được pha chung với phân bón lá. 

     Đối với sâu cuốn lá, khi thấy lá lúa đã bị sâu cuốn lá ăn trắng thì nông dân không nên phun thuốc phòng trừ vì hiệu quả không cao do sâu đã lớn. Để phòng trừ sâu cuốn lá kịp thời nông dân cần kiểm tra đồng ruộng khi lá lúa bị sâu cuốn lá cuốn lại rải rác trên đồng tiến hành phun thuốc phòng trị sẽ đạt hiệu quả cao. Cách kiểm tra như sau: ngồi xuống và nhìn ngược với hướng chiếu sáng của ánh sáng mặt trời, những lá lúa bị sâu cuốn sẽ có màu sậm tối hơn các lá khác lúc này tuổi sâu còn nhỏ dễ phòng trị hơn. Tuy nhiên, cũng hạn chế phun thuốc phòng trị sâu cuốn lá trước 40 ngày sau khi sạ để bảo vệ thiên địch cho đồng ruộng.

     Ngoài các đối tượng dịch hại nêu trên, còn có một số dịch hại khác phát sinh gây hại từ nhẹ đến trung bình như vàng lá chín sớm, lem lép hạt...   

     Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trên lúa, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa cho vụ mùa, nông dân nên thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các loại dịch hại khuyến cáo nêu trên.

Trúc Mai

các tin khác