Nông thôn

Chủ động phòng trừ dịch hại trên lúa đầu vụ hè thu 2020

03:33 15/05/2020

    

Diện tích xuống giống lúa hè thu trên địa bàn huyện Châu Phú hiện được 32.323 hecta, đạt 97% so kế hoạch. Trong đó: giai đoạn mạ 12.439 hecta, đẻ nhánh 12.170 hecta, đòng 7.610 hecta, trổ 104 hecta.

 

     Hiện nay trên đồng ruộng đang xuất hiện dịch hại chủ yếu là bù lạch gây hại mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng; các đối tượng khác như chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn muộn,... xuất hiện và gây hại ở mức nhẹ. Mặt khác, theo dự báo thời tiết sẽ tiếp tục có nắng nóng ở đầu vụ, có mưa ở cuối vụ cùng với trên đồng đang có rất nhiều trà lúa gối vụ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu, bệnh hại trên lúa phát sinh và phát triển làm ảnh hưởng năng suất vụ hè thu 2020 nếu nông dân không có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Responsive image
 

     Để đảm bảo năng suất lúa vụ lúa hè thu 2020. Ban chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch hại trên cây trồng cấp huyện thông báo đến bà con nông dân thường xuyên thăm đồng và chủ động phòng trừ một số đối tượng dịch hại như sau:

     1. Bù lạch:

     Đang gây hại trên trà lúa ở giai đoạn mạ với mật số từ nhẹ đến trung bình và cục bộ nặng trên các trà lúa xuống giống muộn của huyện gồm các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Ô Long Vĩ, Mỹ Đức, Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung,...

     Để quản lý hiệu quả bù lạch hại lúa, đề nghị nông dân nên áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ như sau:

     - Thường xuyên thăm đồng khi thấy bù lạch xuất hiện với mật số cao tiến hành phun thuốc đặc trị để phòng trị.

      - Trước khi phun thuốc phải đưa nước vào ruộng và kết hợp với bón phân đợt 1 để cây lúa phát triển tốt ở giai đoạn đầu.

     2. Chuột: 

     Gây hại mạnh trên trà lúa sớm ở những nơi đất gò, gần vườn tạp, gần bờ đê hoặc bờ kênh lớn, gần khu dân cư, gần đất rẫy, khu vực có đê bao lớn, do gối vụ tạo điều kiện để chuột lưu tồn gây hại. Chuột phá hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa nhưng phá hại mạnh vào giai đoạn mới gieo sạ và làm đòng. 

     Để quản lý chuột có hiệu quả, trước khi xuống giống cần phải vệ sinh đồng ruộng (lúa chét) cắt nguồn thức ăn của chuột đào hang, đặt bả mồi,... Gieo sạ đồng loạt trên từng cánh đồng (trong 01 tuần) theo khuyến cáo của chính quyền địa phương.

     Tích cực tham gia phong trào diệt bắt chuột cộng đồng do địa phương phát động, tiến hành trong suốt giai đoạn làm đất hoặc trong 02 tuần đầu vụ khi chuột chưa sinh sản.

     Ở những nơi chuột gây hại mạnh thiết lập hệ thống bẫy hàng rào và đặt hom để bắt chuột giảm mật số từ đầu vụ.

     Sử dụng bã mồi như lúa mộng phối hợp với thuốc trừ chuột có bán trên thị trường, cần phải diệt chuột thường xuyên, nhiều lần trong vụ lúa. Tuyệt đối không dùng xung điện để bắt chuột.

     3. Rầy nâu: 

     Dự kiến sẽ có đợt rầy cám nở cuối tháng 5 trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ; Vì vậy, đề nghị nông dân thăm đồng thường xuyên, không chủ quan trong việc quản lý rầy nâu, quan sát thật kỹ và đặc biệt chú ý khi canh tác các giống nhiễm rầy như: giống IR 50404, Đài thơm 8,  Nếp, OM 5451, OM 6976,…

     - Khi rầy trên ruộng có mật độ từ 1 - 3 con/tép tiến hành xử lý bằng các lọai thuốc đặc trị rầy nâu nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, có bán trên thị trường.

     - Trước khi phun thuốc phải đưa nước vào ruộng càng cao càng tốt, để rầy nâu di chuyển lên trên thân cây lúa, để thuốc dễ tiếp xúc với rầy.

     - Khi phun thuốc cần hạ cần phun xuống thấp, sao cho thuốc có thể tiếp xúc được với rầy nâu.

     Tuyệt đối không phun ngừa khi mật số rầy còn rất thấp ( <1con/tép). 

     Khi phun thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc (đúng thuốc trừ rầy), đúng lúc (lúc rầy tuổi 2 - 3 có màu vàng lợt đến vàng nâu), đúng nồng độ và liều lượng (theo khuyến cáo trên nhãn và đủ lượng nước), đúng cách (phun vào thân cây lúa, không phun phớt trên lá). 

     *Chú ý: không sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid giai đoạn trổ, sau trổ và nên tuân thủ thời gian cách ly của thuốc.

     4. Muỗi hành: 

     Theo dự báo sẽ có mưa nhiều vào giữa và cuối tháng 5, ẩm độ cao sẽ thích hợp cho muỗi hành phát sinh và gây hại trên trà lúa xuống giống muộn hơn lịch xuống giống chung của huyện, cần chú ý tập trung theo dõi ở những vùng có muỗi hành gây hại nhiều trong vụ đông xuân 2019 - 2020 ở các xã như: Vĩnh Thạnh Trung, Mỹ Phú, Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây và Ô Long Vĩ...

     Để quản lý hiệu quả muỗi hành hại lúa. Đề nghị nông dân nên áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ như sau:

      - Vệ sinh đồng ruộng như diệt lúa rài, lúa chét và gieo sạ đồng loạt để giảm mật số muỗi hành trên đồng ruộng.

     - Xuống giống tập trung đồng loạt trên cùng tiểu vùng, không xuống trễ so với lịch thời vụ khuyến cáo, gieo sạ với mật độ từ 100 -120 kg/ha, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm và tăng cường bón lân, kali; bổ sung phân có hàm lượng canxi, magie, silic. Lưu ý không sử dụng chất ức chế sinh trưởng vì muỗi hành sẽ gây hại nặng hơn.

     - Thường xuyên thăm đồng khi thấy muỗi hành xuất hiện tiến hành phun thuốc đặc trị có tính lưu dẫn hoặc dùng thuốc dạng hạt rãi để phòng trị.

     5. Rầy phấn trắng: 

     Do thời tiết khô hạn kéo dài, rầy phấn trắng có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng với mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa sớm và đại trà của huyện. 

     Để quản lý hiệu quả rầy phấn trắng. Đề nghị nông dân nên áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ như sau:

     - Sạ thưa với mật độ vừa phải, không nên sạ dày; bón phân cân đối N-P-K, không nên bón thừa đạm; thường xuyên chăm sóc để lúa phát triển tốt, tăng cường sức chống chịu cho cây.

     - Khi gặp thời tiết nắng hạn kéo dài rầy phấn trắng phát triển nhanh, thiên địch không có khả năng khống chế bà con nông dân phải sử dụng thuốc đặc trị rầy để phòng trừ.

     * Ngoài các đối tượng dịch hại nêu trên, còn có một số dịch hại khác phát sinh gây hại từ nhẹ đến trung bình như: bệnh đốm vằn, đạo ôn lá, cháy bìa lá, lem lép hạt, đốm nâu, vàng lá chín sớm, sâu cuốn lá, nhện gié …   

     Nông dân cần chủ động thăm đồng nhằm phát hiện và phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại kịp thời nhằm bảo vệ năng suất, sản lượng lúa hè thu 2020./.

Dương Thị Thu Nhi

các tin khác