Nông thôn mới

Thạnh Mỹ Tây: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

12:46 23/04/2019

    

Từ khi đề án 1956 được Chính Phủ ban hành và triển khai tại xã Thạnh Mỹ Tây, trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận với chương trình đào tạo nghề.

    Nhiều lao động ở địa phương trước giờ chỉ biết gắn bó với ruộng đồng, một số chưa có việc làm ổn định cũng đã hăng hái đăng ký tham gia các khóa học, để có thể tự rèn luyện kỹ năng, trang bị cho mình được một cái nghề để mưu sinh. Qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức của mỗi người dân về nhu cầu học nghề, được giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập chính đáng cho hộ dân. Đặc biệt qua chương trình đào tạo nghề đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Responsive image
 

    Trao đổi với chúng tôi, chị Trương Thị Lan Phương – Cán bộ Lao động thương binh và xã hội xã Thạnh Mỹ Tây cho biết:" Được sự phối hợp chỉ đạo đồng bộ của Đảng ủy, cũng như Ủy ban nhân dân, sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp nên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân càng được nâng cao. Trong quá trình tuyên truyền, tư vấn, rà soát để đào tạo nghề, địa phương còn chú trọng đến vấn đề trình độ học vấn, sức khỏe, điều kiện của người lao động có phù hợp với nghề sẽ học, để làm sao có thể vừa đảm bảo chất lượng và hiệu quả sau đào tạo. Trong đó, việc hỗ trợ đào tạo nghề cần phải thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách theo quy định. Nắm bắt được nhu cầu chính đáng của người lao động, ngay khi tổ chức các lớp đào tạo nghề, các ngành cũng như đoàn thể đã chủ động liên hệ tìm địa điểm để mở lớp, thường có khoảng 30 học viên tham gia đăng ký học ở mỗi lớp. Cách làm này không chỉ giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt, qua đó còn giúp họ có được một cái nghề, yên tâm làm việc, không phải đi làm ăn xa". 
    Tính từ đầu năm đến nay, xã Thạnh Mỹ Tây đã phối hợp mở được 4 lớp nghề trong chương trình dự án Vnsat, có 120 học viên tham gia, có cùng chung mong muốn là được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhằm tăng năng suất và hiệu quả lao động. Theo như kế hoạch dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, địa phương sẽ chủ động phối hợp với Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật An Giang và các ngành có liên quan tổ chức thêm 11 lớp dạy nghề, gồm: 8 lớp dự án Vnsat, lớp kỹ thuật trồng vườn, kỹ thuật nuôi gà, sửa xe gắn máy v.v…với số lượng huy động khoảng hơn 300 học viên tham gia. Về công tác giải quyết việc làm, trong quý I năm 2019, địa phương đã giới thiệu việc làm từ các lĩnh vực được 468 lao động, trong đó có 39 lao động trong tỉnh và 429 lao động ngoài tỉnh, đạt 98% theo kế hoạch
    Nhằm thực hiện tốt và có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ trong năm 2019. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 12 đặt ra yêu cầu tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên. Theo kết quả tự đánh giá, hiện tại, tiêu chí số 12 của xã đã đạt 94,52% theo quy định chuẩn xã nông thôn mới. Và để đạt được mục tiêu này, trong những năm qua, đơn vị đã không ngừng nỗ lực, quan tâm đến chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực tế nguồn nhân lực sẵn có, sản xuất tại địa phương. Đồng thời chú trọng chuyển dạy nghề từ đào tạo theo nhu cầu của các cơ sở sang đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, nhiều ngành nghề như: Sửa xe gắn máy, trồng và thiết kế vườn, trồng rau an toàn v.v… đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó đã góp phần giải quyết kịp thời công ăn việc làm cho người lao động, để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới về lao động và việc làm.

Responsive image
 

     Nhìn chung, các chính sách của nhà nước về hỗ trợ dạy nghề cho lao động trong thời gian qua rất phù hợp với nguyện vọng, mong mỏi của người dân ở nông thôn. Nhưng để làm tốt công tác dạy nghề trong thời gian tới và trong những năm tiếp theo, đòi hỏi chính quyền địa phương cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong vấn đề đào tạo, mở những ngành nghề phù hợp, sát với tình hình ở mỗi địa phương, đang là vấn đề cần đặt ra hiện nay.
    Có thể nói rằng việc dạy nghề tại chỗ cho lao động nông thôn không chỉ giúp địa phương thực hiện tốt chủ trương nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Cách làm này còn được chính quyền địa phương và lao động đồng tình hưởng ứng, do đó địa phương cần phải chọn lựa và đào tạo những ngành nghề phù hợp đối với lao động nông thôn, trong đó đặc biệt lưu ý đến nhu cầu và đặc điểm của địa phương, đi đôi với việc hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho học viên tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp./.

Nguyễn Kim (Đài Truyền thanh huyện Châu Phú)

các tin khác