09:15 25/03/2022
Trung tâm Khuyến nông An Giang và Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú phối hợp Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức Hội thảo tổng kết “Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Ô Long Vĩ. Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Mai Thành Phụng – Ban cố vấn chương trình canh tác lúa thông minh, ông Ngô Văn Đây – Nguyên Phó văn phòng Nam Bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Thạc sĩ. Hồ Thế Huy – Trưởng vùng ĐBSCL (Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền).“Canh tác lúa thông minh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long” là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, với sự tham gia thực hiện của ngành nông nghiệp ở 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình tiến hành qua 02 giai đoạn: 2016-2017 (3 vụ canh tác) và 2020-2022 (4 vụ canh tác). Với mục tiêu nhằm gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, nhất là tăng tính chủ động trong canh tác một cách thông minh trước những tác động của biến đổi khí hậu và thị trường.
Tại huyện Châu Phú, chương trình thực hiện trong vụ lúa đông xuân năm 2021-2022 tại vùng đất phèn ấp Long Thành xã Ô Long Vĩ, có 04 hộ nông dân tham gia mô hình, với diện tích 02 ha (mỗi hộ 0,5 ha). Ruộng mô hình, nông dân sử dụng giống OM 18 (xác nhận); phương pháp sạ bằng máy bay với lượng giống 80kg/ha (riêng có 01 hộ áp dụng phương pháp sạ cụm, lượng giống 65kg/ha); 02 hộ áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và 02 hộ không áp dụng; sử dụng phân bón chuyên dùng của Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền; áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp quản lý dịch hại. Ruộng đối chứng cũng sử dụng giống OM 18 (xác nhận) và phương pháp sạ bằng máy bay nhưng với lượng giống 110kg/ha; áp dụng kỹ thuật canh tác truyền thống.
Kết quả thực hiện về chỉ tiêu nông học: Ruộng mô hình cây lúa phát triển cứng, khỏe và bộ rễ phát triển dài dơn. Số hạt chắc/bông của ruộng mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng trung bình 17 hạt/bông. Về hiệu quả kinh tế: Tổng chi phí sản xuất của ruộng đối chứng cao hơn chi phí của ruộng mô hình, chủ yếu do chi phí giống, chi phí thuê mướn lao động và thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận thu được ở tất cả 4 hộ ruộng mô hình đều cao hơn so với ruộng đối chứng từ 1.169.000 đồng/ha đến 4.035.000 đồng/ha. Đặc biệt, đối với vùng đất phèn như Ô Long Vĩ, ruộng áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ phát huy tác dụng hơn, cho năng suất cao hơn so với ruộng không áp dụng.
Tại buổi tổng kết, nông dân rất phấn khởi với giải pháp canh tác thông minh, thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu, giá cả phân bón tăng và dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt của mô hình. Đồng thời, kiến nghị Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tiếp tục hỗ trợ xây dựng và thực hiện mô hình trong các mùa vụ tiếp theo để có thêm cơ sở đánh giá về sự phù hợp của các loại phân với thổ nhưỡng tại địa phương. Từ đó có thể nhân rộng mô hình đến các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Trúc Mai