Ứng dụng công nghệ cao

Châu Phú: Những kết quả bước đầu trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện

12:24 21/04/2020

    

Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả thiết thực.

     Là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và được xem là nền tảng để phát triển kinh tế, xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, huyện đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao… Nhờ đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đã từng bước hình thành; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Từ đó làm tăng giá trị sản xuất đất nông nghiệp lên 185 triệu đồng/hecta đạt 102,8% Nghị quyết (giai đoạn 2010-2015 giá trị sản xuất đất nông nghiệp 150 triệu đồng/hecta). Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện đã đạt nhiều kết quả. Đến nay, toàn huyện có 1.947 hecta được chuyển dịch cơ cấu từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung nhiều nhất vào các loại cây sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi, quýt, cam... Lợi nhuận của các loại cây ăn trái từ 52 triệu đồng/hecta đến 568 triệu đồng/hecta, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10 – 30 lần so trồng lúa, giá trị sử dụng đất nâng lên rõ nét. Diện tích nuôi trồng thủy sản đưa vào hoạt động 447/985 ha ở 2 xã Bình Phú và Mỹ Phú. 

     Để xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân, ngành nông nghiệp huyện đã hướng dẫn các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân, thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực kinh tế trong và ngoài huyện; liên kết giữa các khâu sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất khép kín để nâng cao giá trị nông sản. Điển hình là vùng nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Nam Việt tại xã Bình Phú huyện Châu Phú, là vùng nuôi áp dụng công nghệ cao nuôi cá tra đầu tiên ở Việt Nam. Khi áp dụng công nghệ cao 4.0 vào thì việc nuôi cá được lập trình tự động, điều khiển bằng màn hình máy tính, smart phone. Doanh nghiệp có quy trình khép kín trong việc tự sản xuất con giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra trong thời gian tới trên 100 nước. Qui mô dự án là 600 hecta, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, thời gian thi công là 2 năm. Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp 500 triệu con cá tra giống/năm; 150.000 - 200.000 tấn cá tra thịt/năm phục vụ xuất khẩu. Vùng nuôi cá tra của Cty Nam Việt Bình Phú sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu cá tra Việt Nam lên cao. Hiện doanh nghiệp Nam Việt thu hút hơn 6.000 lao động, nếu dự án hoàn thành có khả năng thu hút khoảng 8.000 lao động địa phương. 

Responsive image
 

     Với quyết tâm đổi mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện chỉ đạo thực hiện cơ chế mở cửa, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, chỉ trong vài năm trở lại đây, toàn huyện đã có 07 dự án với tổng mức đầu tư trên 5.780,424 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp gồm Dự án giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ cánh đồng lớn Bình Phú; Dự án đầu tư xây dựng trạm bơm điện vùng cánh đồng lớn xã Bình Phú; Dự án hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao xã Khánh Hòa; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) 04 xã; Dự án cánh đồng lớn cho 05 xã; 119 công trình nạo vét, giao thông nội đồng, chiều dài 153,1km. Dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao Nam Việt Bình Phú. Dự án khu liên hợp sản xuất cá tra thương phẩm Lộc Kim Chi – xã Mỹ Phú. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến; giúp nông dân tiếp cận và áp dụng quy trình công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng sống của người dân.

     Song song đó, Ngành nông nghiệp huyện đã được đầu tư nhiều dự án lớn phục vụ sản xuất với tổng kinh phí 830,424 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện hệ thống kênh, mương và thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện, nhất là các xã vùng trong.

Responsive image
 

     Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Châu Phú sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Theo đó, huyện sẽ khai thác hiệu quả các dự án đã được đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và triển khai đầu tư các dự án gắn với vùng đã quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng chuyên canh trồng cây ăn trái; xây dựng mỗi xã một sản phẩm chủ lực có chất lượng, có nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý gắn với du lịch sinh thái. Đó là quy hoạch 200hecta sản xuất lúa tiêu chuẩn Global.GAP vùng Cây Dương – Kênh 13 – Kênh Ranh; vùng chuyên màu tập trung ở tiểu vùng Bắc Cây Sung (xã Khánh Hòa) và Bắc kênh Đình (xã Bình Thủy), Thạnh Mỹ Tây, Bình Long; xây dựng vùng sản xuất rau màu theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch từ năm 2021-2025 với diện tích 800 hecta, gồm các cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: măng tây xanh, đậu nành rau, đậu bắp nhật, rau muống lấy hạt. Phấn đấu, đến năm 2025 đạt 2.500 hecta trồng cây ăn quả tập trung gồm: nhãn phục tráng Mỹ Đức; nhãn xuồng cơm vàng xã Khánh Hòa; bưởi da xanh xã Khánh Hòa; sầu riêng xã Bình Chánh; táo sạch xã Mỹ Phú... Thực hiện sản xuất theo quy trình “3 năm 8 vụ” ở các tiểu vùng sản xuất 3 vụ. Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 03 xã Bình Long, xã Thạnh Mỹ Tây, xã Bình Phú. Chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. 

     Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới đi đôi với bảo vệ môi trường. Huyện sẽ tập trung vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất để thu hút nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; mạnh dạn ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông nghiệp vào sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị; nhất là thay đổi nhận thức người nông dân từ tư duy sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm; tổ chức tốt các chuỗi liên kết bao tiêu nông sản.

Mỹ Ngân

các tin khác