Ứng dụng công nghệ cao

TỔNG KẾT MÔ HÌNH BÓN VÙI PHÂN BẰNG MÁY SẠ CỤM 3 TRONG 1

09:07 23/04/2022

    

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân được tìm hiểu, tiếp cận phương pháp gieo sạ theo công nghệ mới (3 trong 1), sáng ngày 21-4, tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung huyện Châu Phú, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng và Trạm Khuyến Nông huyện tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình “Bón vùi phân đầu trâu bằng máy sạ cụm 3 trong 1” vụ Đông xuân 2021 – 2022 tại khóm Vĩnh Quí, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, hơn 60 nông dân ở các xã, thị trấn trong huyện đến dự.

Nông dân thực hiện mô hình là Nguyễn Ngọc Thành, với qui mô 1,5 ha. Sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 (cấp xác nhận), với lượng giống gieo sạ 65 kg/ha, loại phân bón sử dụng là đầu trâu tăng trưởng và đầu trâu chắc hạt của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng. Đối với ruộng mô hình áp dụng phương pháp gieo sạ bằng máy sạ cụm “3 trong 1” (vừa sạ lúa, vừa phun thuốc cỏ, vừa vùi phân) của Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng. Đối với ruộng đối chứng gieo sạ bằng máy sạ cụm kết hợp phun thuốc cỏ, nhưng không vùi phân.

Kết quả thực hiện về chỉ tiêu nông học: số bông, số hạt chắc trên bông và năng suất lúa không thay đổi và có chiều hướng tăng ở ruộng mô hình. Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận của ruộng mô hình cho hiệu quả cao hơn ruộng đối chứng trên 2.000.000đ/ha. Do phương pháp bón vùi phân đầu trâu bằng máy sạ cụm “3 trong 1” giúp giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuê mướn lao động bón phân (giảm được 02 lần bón phân/vụ). Phân được vùi sâu trong đất đảm bảo cung cấp đủ cho cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, giúp cây lúa hấp thụ phân hiệu quả hơn, giảm lượng phân bón thất thoát do bốc hơi hoặc chảy tràn theo nguồn nước gây ô nhiễm môi trường.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, nông dân mong muốn Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng xây dựng và thực hiện mô hình trong các mùa vụ tiếp theo để có thêm cơ sở đánh giá về sự phù hợp của các loại phân chuyên dùng với thổ nhưỡng tại địa phương. Từ đó có thể nhân rộng mô hình đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao lợi nhuận cho nông dân trong điều kiện biến đổi khí hậu và tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay

Trúc Mai – Tú Trang

các tin khác