Ứng dụng công nghệ cao

Mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP ở xã Ô Long Vĩ

09:36 10/12/2021

    

SRP (Sustainable Rice Platform) là Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận. Khi canh tác theo tiêu chuẩn SRP, lúa gạo vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa tăng hiệu quả sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính nông dân và người tiêu dùng.

 

Responsive image
 

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, vụ thu đông 2021, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú đã phối hợp cùng nông dân Trương Văn Thảo ấp Long Hòa xã Ô Long Vĩ thực hiện mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP. Theo đó đã triển khai thực hiện trên diện tích 02 ha (trong đó, ruộng mô hình 01 ha và ruộng đối chứng 01 ha).

Với sự hỗ trợ của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trên diện tích tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ giống lúa chất lượng cao OM18 (giống xác nhận), hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn quy trình canh tác lúa “1 phải, 5 giảm” cùng các kỹ thuật làm đất, quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng. Áp dụng quy trình sạ thưa (mật độ 120kg/ha), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

          Sau hơn 3 tháng canh tác cho thấy, ruộng lúa mô hình SRP của ông Trương Văn Thảo nhờ bón phân cân đối nên sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt có xuất hiện nhưng thấp hơn so với ruộng đối chứng. Nhờ sử dụng giống tốt tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, giảm áp lực dịch hại, sử dụng phân bón hợp lý cân đối hơn, lúa hạn chế đổ ngã, chi phí đầu tư ban đầu cho ruộng mô hình ít hơn gần 2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

So sánh kết quả canh tác giữa ruộng mô hình và ruộng đối chứng, nông dân Trương Văn Thảo phấn khởi cho biết: “Làm mô hình này tôi thấy giữa ruộng mô hình với ruộng đối chứng năng suất tuy không chênh lệch mấy nhưng chi phí đầu vào tôi thấy giảm rõ rệt. Vì mình giảm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai nữa tôi thấy đất tơi xốp hơn, bảo vệ được sức khỏe của mình trong quá trình canh tác. Vụ tới chắc tôi tiếp tục áp dụng theo mô hình để có thêm lợi nhuận, cũng như giữ cho môi trường ít bị ô nhiễm, tốt cho sức khỏe con người”.

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú cho biết, mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn bền vững SRP là một mô hình trình diễn được triển khai thuộc Dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Dự án bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm từ vụ Thu đông 2017 đến nay, với nhiều lớp tập huấn và mô hình như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"… tập trung ở các xã Ô Long Vĩ, Mỹ Đức, Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây, Bình Long. Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, góp phần giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững.

Trúc Mai – Tú Trang

các tin khác