Học tập theo gương Bác

Giá trị những lời dạy của Bác Hồ về y đức đối với thầy thuốc

11:00 08/02/2023

    

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành y, đến người thầy thuốc. Bởi ngành y nói chung, thầy thuốc nói riêng có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Những tư tưởng, lời dạy căn dặn của Người về y đức người thầy thuốc được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc năm 1948, năm 1953 và năm 1955 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948). Khi gặp một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động, cảm hóa họ. Theo Người, thầy thuốc là phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh. Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài, mà người thầy thuốc phải nhìn những vấn đề về tinh thần, tình cảm phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mặt khác, theo Bác: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. “Vì vậy, người thầy thuốc cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Hơn nữa, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6 năm 1953, Người chỉ rõ: “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân”. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Đọc lời dạy của Bác chúng ta hiểu các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, y đức với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Lời dạy này của Người đến nay đã trở thành bài học vô cùng quý giá đối với mỗi người thầy thuốc Việt Nam cũng như cả ngành Y tế.

 

Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”. Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất.

Không chỉ chú ý đến mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, Người còn quan tâm đến mỗi quan hệ giữa các thầy thuốc, cán cán bộ làm công tác y tế với nhau. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 02/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân". Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành Y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

 

Trong thư Bác còn dặn ngành y tế phải biết xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Và ngành y tế nước ta ngày càng chứng tỏ lời dạy của Bác là thiết thực. Từ cơ sở đến Trung ương, mạng lưới y học dân tộc đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa Đông - Tây y chữa trị thành công rất nhiều thứ bệnh và ngày càng tạo được sự tin tưởng trong nhân dân.

Vào những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng Bác Hồ vẫn luôn canh cánh nỗi niềm hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt; về cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm anh dũng chiến đấu và hy sinh cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 31/7/1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân viên Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “…Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…”. Đây là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành y tế nước ta.

  Lúc cuối đời, trong Bản Di chúc Bác đã dặn dò phải “phát triển công tác vệ sinh, y tế…”. Nói như vậy, ta có thể cảm nhận được sự quan tâm của Bác Hồ dành cho ngành y tế, dành cho các thầy thuốc là rất đặc biệt và sâu sắc.

Trải qua nhiều thời gian, ngành y đã lấy nội dung những lời dạy của Người nêu lên làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Thực hiện theo những lời dạy đó, mỗi người thầy thuốc cách mạng Việt Nam cần tích cực học tập, trau dồi phẩm chất tốt đẹp, nâng cao trình độ chuyên môn, luôn biết tự làm giàu trí tuệ, nâng cao y đức cũng như trách nhiệm với bệnh nhân. Biết bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân như: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, …đều đã thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức.

Năm 1979, Bộ Y tế đề ra 05 tiêu chuẩn của người cán bộ y tế nhân dân. Năm 1982, Bộ Y tế nêu những yêu cầu cụ thể về “Thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ y tế Đỗ Nguyên Phương nêu lên 12 điều quy định về y đức. Ngày 10/8/1999, Bộ Y tế ban hành Quy định về đạo đức hành nghề dược. Ngày 03/01/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư cho ngành Y tế qua tờ báo Sức khỏe và Đời sống đã phát triển, làm rõ, cụ thể hơn lời dạy của Bác Hồ về y đức trong hoàn cảnh mới của đất nước. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được cụ thể hóa thành những việc làm rõ ràng trong công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Trong giai đoạn hiện nay cán bộ, nhân viên, Y Bác sĩ ngành y tế cả nước nói chung, Trung tâm y tế huyện Châu Phú, tỉnh An Giang nói riêng luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ra sức nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực quan tâm xây dựng cơ quan văn minh, thân thiện với bệnh nhân, góp phần chăm lo đời sống sức khoẻ tinh thần cho nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế, thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực lao động học tập, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm, Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023) tuy đã trải qua hơn nữa thế kỷ, mỗi lần chúng ta nhắc đến lời dạy của Bác tưởng chừng như đơn sơ, mộc mạc, nhưng nó mang đậm tính triết lý sâu xa, tính khoa học xã hội nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa chính trị - xã hội rộng lớn, thiết thực để đội ngũ thầy thuốc Việt Nam phải luôn nghĩ suy, học tập và tu dưỡng, tận tuỵ hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.

 

Đỗ Thanh Phong - PGĐ Trung tâm Chính trị huyện

các tin khác