10:27 05/10/2023
“70 năm tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn” là dịp để nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, tầm vóc, nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là những quan điểm của Người được thể hiện trong tác phẩm “Thường thức chính trị”. Thông tin như sau:
Ngày 04/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ: 70 năm tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn".
Khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhắc lại, cách đây 70 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang bước vào giai đoạn cuối đầy cam go, quyết liệt, để tăng cường hơn nữa sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó góp phần đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, với bút danh Đ.X, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 50 bài, đăng trong chuyên mục Thường thức chính trị, Báo Cứu quốc từ số 2253, ngày 16/1 đến số 2430, ngày 23/9/1953.
Năm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) tập hợp lại và xuất bản thành cuốn sách lấy tên là “Thường thức chính trị”. Với những bài viết nhỏ, có lôgíc chặt chẽ, được diễn đạt theo phong cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, để dễ thực hiện, “Thường thức chính trị” là cuốn sách giới thiệu những tri thức cơ bản, phổ thông về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, rất phù hợp với tâm lý và trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam khi đó.
Như tác phẩm đã chỉ rõ: “Cái tinh thần nó xuyên khắp các bài ấy là: quyết tâm và tin tưởng... Nắm vững tinh thần ấy, thấm nhuần tinh thần ấy, là cái chìa khóa để hiểu và để giải quyết các vấn đề”, “Thường thức chính trị” đã có giá trị to lớn và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tăng thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, từ đó nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm, nỗ lực vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến, GS,TS Lê Văn Lợi nói.
Để nghiên cứu, làm sâu sắc hơn về tầm vóc, nội dung, giá trị của tác phẩm, trong cuộc hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu: “Thường thức chính trị” - sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; “Thường thức chính trị” - những định hướng đúng đắn, sáng tạo về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; “Thường thức chính trị” - những nguyên lý về vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là khi trở thành đảng cầm quyền; “Thường thức chính trị” với công cuộc đổi mới hiện nay.
Nghiên cứu tác phẩm “Thường thức chính trị” sẽ cung cấp phương thức truyền bá, lan tỏa chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời cũng mang lại những cơ sở lý luận cho việc bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, GS,TS Lê Văn Lợi nhận định.
PGS,TS Trần Minh Trưởng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, cho đến nay, tác phẩm "Thường thức chính trị" vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc đồng thời, thể hiện tư duy sáng tạo về lý luận và phương pháp truyền bá lý luận vào thực tiễn cách mạng của Hồ Chí Minh.
Hiểu rõ trình độ nhận thức lý luận của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, do đó thường nảy sinh “căn bệnh lười học lý luận”, vì vậy, khi diễn giải “lý luận là gì ?”, Hồ Chí Minh không dùng ngôn từ “hàn lâm”, trừu tượng, mà trực tiếp giảng giải về vai trò, giá trị và tầm quan trọng của lý luận: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”.
Sự sáng tạo về lý luận của Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện tư duy phát triển, mà còn thể hiện bằng phương pháp tiếp cận (lý luận) thông qua thực tiễn và hoạt động thực tiễn. Đơn cử, khi diễn giải về vấn đề “giai cấp”, (một khái niệm khó đối với nhận thức của cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ), Hồ Chí Minh không tiếp cận khái niệm “giai cấp” theo định nghĩa “giai cấp” của V.I.Lênin, mà đặt câu hỏi và trả lời “Giai cấp là gì?”; theo lý giải của Người: Trong xã hội, những người lao động làm ra của cải vật chất nhưng suốt đời nghèo khó, một số người khác chiếm làm tư hữu tư liệu sản xuất, không lao động, họ bắt buộc người khác làm cho họ hưởng. Do đó mà có giai cấp. Những người chiếm tư liệu sản xuất không làm mà hưởng, là giai cấp bóc lột. Những người lao động mà không được hưởng là giai cấp bị bóc lột. Trên cơ sở đó, Người phân tích, làm rõ đặc tính của các giai cấp trong xã hội Việt Nam, lý giải vì sao giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng; vì sao giai cấp nông dân là đội chủ lực của cách mạng; động lực của cách mạng là những tầng lớp giai cấp nào? Làm thế nào để phát huy được sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp?, PGS,TS Trần Minh Trưởng phân tích.
Với hơn 40 tham luận của các nhà khoa học đã và đang công tác tại các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ bối cảnh ra đời và mục đích của tác phẩm; cùng phân tích, làm sâu sắc những nội dung cơ bản của tác phẩm cũng như cùng luận giải những giá trị to lớn của tác phẩm đặc biệt là trong công cuộc Đổi mới./.
Thanh Cao ST