Học tập theo gương Bác

Nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo

09:28 22/06/2023

    

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo mang đậm tính khoa học, cách mạng. Kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), là dịp để chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo vào bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng đội ngũ những người làm báo cách mạng, cũng như phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thông tin như sau:

 

 

Với việc thành lập Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, số đầu ra ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Không chỉ là một nhà báo lỗi lạc, bậc thầy của những người làm báo, Bác còn luôn chú trọng sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để phục vụ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, với tư duy khoa học cùng thực tiễn sử dụng báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng, Bác đã hình thành tư tưởng toàn diện về đạo đức của người làm báo. Đây là nội dung quan trọng mang giá trị trường tồn, góp phần to lớn trong bồi dưỡng, rèn luyện các thế hệ nhà báo Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm báo được thể hiện tập trung trên một số điểm chủ yếu:

Một là, người làm báo phải có đạo đức cách mạng trong sáng, có lập trường chính trị vững vàng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng là phẩm chất tốt đẹp nhất, là nguyên tắc, chuẩn mực, đánh giá và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của người làm báo. Vì đạo đức là cái gốc, là cơ sở nền tảng của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (1). Với người làm báo, Bác nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” (2). Bác đòi hỏi các nhà báo phải có đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; biết đấu tranh và dám đấu tranh ủng hộ cái tốt, xóa bỏ cái xấu: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” (3). Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn là tấm gương sáng trong tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta.

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhà báo phải có lập trường chính trị vững vàng; Bác coi đây là tiêu chuẩn và yêu cầu hàng đầu đối với người làm báo: “phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công” (4). Từ đó, Người đặt ra yêu cầu: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng” (5). Như vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và hết sức vẻ vang. Yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với người làm báo chính là phải có đạo đức trong sáng, lập trường chính trị vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của báo chí cách mạng.

Hai là, người làm báo phải thực sự yêu nghề, có trách nhiệm với nghề; phải thông tin trung thực, khách quan.

Đây là điểm quan trọng trong đạo đức người làm báo, theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Bác, tình yêu nghề, trách nhiệm với nghề của người làm báo thể hiện trước hết ở ý thức, trách nhiệm trong từng bài báo, ở mỗi câu viết. Bác nêu rõ: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn và rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy” (6). Người nhấn mạnh: “Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về  hình thức, về nội dung, về cách viết” (7). Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu người làm báo chân chính phải luôn thông tin trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật. Tức là người làm báo phải viết giản dị và đúng sự thật, không nên chỉ viết cái tốt và che giấu cái xấu; không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, lòng ích kỷ của bản thân. Bác căn dặn người làm báo: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra” (8). Người đòi hỏi trong mọi trường hợp, khen cũng như chê, nhà báo đều phải viết với động cơ trong sáng, khách quan.

Theo Hồ Chí Minh, tính chân thật là một trong những đặc trưng cơ bản của báo chí. Vì vậy, Người thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo cách mạng. Báo chí phải luôn luôn phản ánh đời sống xã hội một cách chân thật, là tấm gương hàng ngày phản ánh cuộc sống. Thông tin càng nhanh nhạy, đa dạng, phong phú thì càng phải trung thực, chính xác. Báo chí muốn thuyết phục được công chúng thì bản thân báo chí phải bám sát cuộc sống và có tính chân thực cao.

Ba là, mọi hoạt động của người làm báo phải nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Đây là biểu hiện sinh động, cụ thể của đạo đức người làm báo trong nền báo chí cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá văn hóa; vừa là đội quân tiên phong trong công tác tư tưởng. Ngoài ra, Người sớm nhận thấy vai trò to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Trong hoạt động nghề nghiệp, nhà báo phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, yêu kính nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối, giáo dục và phát động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cách mạng do Đảng lãnh đạo; hoạt động nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng; ngoài lợi ích của nhân dân, người làm báo cách mạng không có lợi ích nào khác. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong tự học tập, tự rèn luyện hoàn thiện bản thân về cả đạo đức cách mạng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản” (9). Mục đích làm báo là để thức tỉnh quần chúng nhân dân lao động, giai cấp thợ thuyền. Đồng thời bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, các nhà báo cách mạng sẽ giúp mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ bản chất các vấn đề trong nước và quốc tế, kinh tế và chính trị, văn hóa và đạo đức. Từ đó, có hành vi ứng xử, có hành động thực tiễn phù hợp với tình hình cách mạng.

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo mang đậm tính khoa học, cách mạng. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hiện nay truyền thông, báo chí đang là một lĩnh vực có vai trò quan trọng đặc biệt. Theo đó, vai trò, chức năng của báo chí đã ngày càng được khẳng định. Nhất là trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; kiến nghị, đề xuất cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; bảo vệ an ninh quốc gia, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội......Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; còn tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để vụ lợi, vun vén lợi ích cá nhân,… Do đó, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo như nhắc nhở đội ngũ nhà báo phải không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định con đường, mục tiêu cách mạng, luôn phấn đấu vì sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), là dịp để chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo vào bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng đội ngũ những người làm báo cách mạng, cũng như phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

 

Thanh Cao ST

các tin khác