Học tập theo gương Bác

Người phụ nữ nuôi bệnh nhân tâm thần

12:33 07/02/2021

    

Nhiều năm nay, bà con ở ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú rất cảm phục người phụ nữ không chỉ chu đáo trong gia đình, nuôi dạy con cái nên người mà chị còn cảm hóa được chồng đem người tâm thần không nơi nương tựa về nhà nuôi, đưa đi điều trị bệnh, thương yêu và lo lắng như người thân trong gia đình và tham gia các phong trào xã hội từ thiện của xã Thạnh Mỹ Tây như: Cất nhà, cất cầu, làm đường, đóng góp mua xe cứu thương, giúp đỡ bệnh nhân điều trị bệnh….ước tính mỗi năm trên 100 triệu đồng.

 

Responsive image
 

     Lớn lên như bao người phụ nữ khác, chị Trần Thị Mỹ Linh được người ta mai mốt từ quê nhà xã Bình Hòa, huyện Châu Thành về làm dâu ở chợ Long Châu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Tại đây chị chứng kiến không ít hoàn cảnh thương tâm cần được giúp đỡ, trong số đó có hình ảnh người tâm thần không nơi nương tựa, cha mẹ đã qua đời. Qua nhiều lần thuyết phục, chồng chị đã thống nhất đưa người này về nhà nuôi. Bệnh nhân tâm thần mà chúng tôi nhắc đến là anh Tuốt Kha Ly, ngoài 40 tuổi, trước đây mọi người xa lánh, nhưng được gia đình chị Linh giúp đỡ, giờ anh Ly đã bình phục. Thấy khách đến nhà tiếp chuyện với chị Mỹ Linh thì anh Kha Ly bước đến chào hỏi. 

     Chị Mỹ Linh cho biết: “Lúc tôi chưa đưa Kha Ly về nhà nuôi, mỗi ngày cứ tới đứng bóng thấy Kha Ly đứng lấp ló ở ngoài cửa om bụng, gia đình tôi kêu Ly vào ăn cơm. Thấy Ly ăn rất ngon và nhai không ngừng. Gia đình tôi suy nghĩ làm người phải thương người. Kha Ly sinh ra đã không được may mắn như mọi người rồi, nên tôi bàn với chồng đưa Kha Ly đi điều trị bệnh. Sau một tháng ở bệnh viện tâm thần Tiền Giang, Kha Ly đòi về nhà, mọi người nói anh không biết, không hiểu. Tôi thì mua bán tối ngày nên chỉ có cách cho anh làm quen là tập đi mua đồ ăn vặt, đưa 2.000 đồng cho anh ra chợ mua rau, bắp nấu. Từ từ anh làm quen, nói và hiểu. Có lần đi lạc đường, gia đình phải thuê xe hon da đi kiếm hộ đến cầu sắt kênh 13 (cách nhà 8,9 km) mới gặp. Kha Ly nhiều lúc uống thuốc ngán, bỏ cử, lại lên cơn, chúng tôi lại đưa anh đi bệnh viện. Một hôm Kha Ly trốn viện, 7 - 8 người phụ gia đình mua bán phải chia nhau tìm và đưa anh đi điều trị. Sau đó, tôi phân công chị nuôi canh chừng ăn cơm xong thì nhắc Kha Ly uống thuốc nên bệnh tình anh đã hồi phục. Giờ Kha Ly đã phụ mua đồ và mang hàng ra xe cho khách rất ân cần, vui vẻ”.

     Để chúng tôi hiểu rõ thêm hoàn cảnh của Kha Ly, anh Nguyễn Văn Ngọt, trưởng ấp Bờ Dâu tiếp lời: “Năm 1976, gia đình Kha Ly từ biên giới đến định cư ở đây, rồi ba mẹ anh bệnh qua đời, bỏ lại Kha Ly cô độc không người thân và không biết rành tiếng Việt. Trước khi cha mẹ mất, anh đã có biểu hiện bất thường. Khi cha mẹ qua đời lại là cứu sốc quá lớn đối với anh, căn bệnh tâm thần ngày càng nặng. Mỗi lần Kha Ly lên cơn quậy phá, mọi người đều hoảng hốt chạy trốn, kể cả khi qua cơn cũng không ai dám đến gần. Lúc đó, gia đình chị Mỹ Linh, chủ cơ sở mua bán phụ tùng máy, đồ điện gia dụng lớn nhất ở chợ Long Châu này đã cưu mang, cất trại phía sau nhà nuôi Kha Ly, đối xử tử tế như người thân và đưa anh đi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Đến khi Kha Ly bình phục, gia đình chị đưa Ly về nhà, nhắc nhở uống thuốc mỗi ngày. Giờ Kha Ly đã sống hòa nhập cộng đồng và phụ gia đình chị Mỹ Linh mua bán, gặp người lạ đến nhà chào hỏi vui vẻ. Được như gia đình chị Linh và chồng là Minh Lý thật là hiếm có”. 

     Sau 13 năm kể từ ngày đưa Kha Ly đi điều trị, anh Lý đã chứng kiến nhiều người bệnh tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, không khả năng nhập viện hay thuốc uống, anh hết lòng hỗ trợ từ chi phí đến thủ tục nhập viện trung bình một tuần anh đưa từ 16 đến 17 bệnh nhân tâm thần đi điều trị bệnh. Ông Lương Văn Tú Cường, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thạnh Mỹ Tây, cho biết: “ Không chỉ giúp Kha Ly bình phục, hòa nhập với mọi người, mà vợ chồng chị Linh còn giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần khác. Vào ngày xe chuyển bệnh của huyện đưa những người tâm thần đi điều trị, chị Linh ở nhà quán xuyến công việc mua bán để anh Lý yên tâm đi theo xe hỗ trợ tiền kịp thời. Tấm lòng nhân ái của vợ chồng chị Linh thật đáng quý. Bên cạnh, vợ chồng chị còn tích cực đóng góp các nguồn quỹ do địa phương phát động. Điển hình gần đây nhất gia đình chị đóng góp quỹ cây mùa xuân 11 triệu đồng”.

     Khi chúng tôi hỏi thăm anh Lý và chị Linh đến thời điểm này giúp bao nhiêu bệnh nhân, chị Linh nói giúp người qua khỏi bệnh là mình mừng nên không nhớ rõ bao nhiêu, chỉ biết gặp những người bệnh hồi phục chào hỏi và nhắc lại mình mới nhớ./. 

Phụng Tiên (Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Phú)

các tin khác