Học tập theo gương Bác

Học tập, thấm nhuần và làm theo những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

02:31 05/05/2020

    

Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị yêu cầu: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy bản thân nhận thức phải “Học tập, thấm nhuần và làm theo những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

 

Responsive image
 

     Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta được thế giới ca ngợi là một nhà cách mạng, đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực; Người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, được UNESCO công nhận là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất thế giới". Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp. Vì vậy, chúng ta là người Việt Nam, chúng ta tự hào về Bác, chúng ta phải “Học tập, thấm nhuần và làm theo những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

     Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và nhân dân ta; Người đã hiến dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, là nhà lãnh đạo được toàn dân tộc Việt Nam ngưỡng mộ và tôn kính, nhiều tượng đài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều người dân treo trong nhà, đặt trên bàn thờ, được thờ cúng ở một số đền thờ Việt Nam. Để khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải “Học tập, thấm nhuần và làm theo những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Responsive image
 

     Thứ ba, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Vì vậy chúng ta phải “Học tập, thấm nhuần và làm theo những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh” để nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đồng thời sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót của mình. 

     Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, trước hết làm người phải có đạo đức, có đạo đức mới đi được xa, gánh được nặng. Người so sánh đạo đức cách mạng cũng như gốc của cây, nguồn của sông: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân". Bác cho rằng:

     “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

     Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

     Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

     Thiếu một mùa, thì không thành trời.

     Thiếu một phương, thì không thành đất.

     Thiếu một đức, thì không thành người”.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, chỉ dạy cho từng đối tượng:

     - Đối với cán bộ, đảng viên, công chức Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. 

     - Đối với tự mình Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải:

     “Cần kiệm.

     Hoà mà không tư.

     Cả quyết sửa lỗi mình.

     Cẩn thận mà không nhút nhát.

     Hay hỏi.

     Nhẫn nại (chịu khó).

     Hay nghiên cứu, xem xét.

     Vị công vong tư.

     Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

     Nói thì phải làm.

     Giữ chủ nghĩa cho vững.

     Hy sinh.

     Ít lòng tham muốn về vật chất.

     Bí mật.

     Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. 

     Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. 

     Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. 

     Phải siêng năng tiết kiệm”.

     - Đối với con người thì Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải:

     “Khoan thứ.

     Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. 

     Học cái hay sửa chữa cái dở. 

     Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. 

     Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. 

     Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị...”.

     - Đối với công việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải:

     “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm”.

     - Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải luôn rèn luyện bản thân mình:

     “Gạo đem vào giã bao đau đớn,

     Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông,

     Sống ở trên đời người cũng vậy,

     Gian nan rèn luyện mới thành công”.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dạy cho từng đối tượng như:

     - Đối với trẻ em, thiếu nhi Bác dạy: 

     “Trẻ em như búp trên cành. 

     Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

     Vào lớp học Bác dạy 5 điều: 

     “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; 

     Học tập tốt, lao động tốt; 

     Kỷ luật tốt, đoàn kết tốt; 

     Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 

     Khiêm tốn thật thà dũng cảm”.

     - Đối với thanh niên Bác dạy:

     “Không có việc gì khó

     Chỉ sợ lòng không bền

     Đào núi và lấp biển

     Quyết chí ắt làm nên”.

     Và trong di chúc Bác còn căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

     - Đối với phụ nữ Bác dạy: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

     - Đối với người lớn tuổi Bác dạy: 

     “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn

     Càng già càng dẻo lại càng dai

     Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai

     Đôn đốc con em làm nhiệm vụ     

     Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.

     - Đối với Quân đội Nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. 

     - Đối với Công an Nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy 6 điều:

     “Đối với mình, phải cần kiệm, liêm, chính

     Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

     Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

     Đối với Nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

     Đối với công việc, phải tận tụy

     Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

     - Đối với người trí thức Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

     - Đối với người nông dân Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cày cuốc là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.

     - Đối với người làm công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy phải: 

     “Óc nghỉ, mắt trông, tai nghe, chân đi. miệng nói, tay làm”.

     - Đối với thầy cô giáo Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Và “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

     - Đối với người y sĩ, bác sĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình”. Bác Hồ luôn nhấn mạnh, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

     - Đối với người làm trong ngành tư pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần căn dặn: phải nêu cao gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho Nhân dân noi theo. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

     - Trong thực hiện các chính sách xã hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy hai điều quan trọng phải luôn luôn ghi nhớ, đó là: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".

     - Đối với Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

     “Nước ta là nước dân chủ.

     Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

     Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

     Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”.

     - Nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Và còn nhiều, còn rất nhiều những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi chúng ta phải học tập, thấm nhuần và làm theo./.

Đoàn Văn Hiển - Chuyên viên Mặt trận huyện Châu Phú

các tin khác