Học tập theo gương Bác

Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng môi trường văn hoá đạo đức trong giáo dục

11:42 27/08/2023

    

Xây dựng và phát triển môi trường văn hóa đạo đức trong giáo dục là mối quan tâm lớn của ngành giáo dục hiện nay, bởi đây là một trong yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của một nhà trường cũng như cả hệ thống giáo dục. Đặc biệt là việc vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng môi trường văn hoá đạo đức trong giáo dục phải thực hiện kiên định, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

 

Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa là mục tiêu - nhìn một cách tổng quát - là quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc; là khát vọng của Nhân dân về các giá trị chân, thiện, mỹ. Đó là một xã hội dân là chủ và dân làm chủ, công bằng, văn minh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; một xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân luôn được quan tâm và không ngừng nâng cao, con người có điều kiện phát triển toàn diện”.

 

 Trong di sản của Người cho ta một nhìn nhận về động lực phát triển bao gồm: động lực vật chất, động lực tinh thần, động lực cộng đồng và cá nhân nội lực và ngoại lực. Tất cả quy tụ ở con người và đều có thể xem xét dưới góc độ văn hóa. Tức là sự trau dồi nhân cách, tu dưỡng bản thân theo đúng nghĩa gốc của từ Culture mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến với nghĩa “Trồng người”. Trau dồi nhân cách có nghĩa là mang trong lòng một ham muốn, ham muốn tột bậc vì nước, vì dân. Ham muốn đó tạo nên ở con người một sức lôi cuốn mạnh mẽ phá vỡ mọi giới hạn, lật đổ mọi quyền lực, đánh bại mọi kẻ thù. Tuy nhiên, nếu tiếp cận các lĩnh vực văn hóa cụ thể trong tư tưởng Hồ Chí Minh, động lực có thể nhận thức ở các phương diện như sau:

Văn hóa chính trị là một trong những động lực có ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ.

Văn hóa văn nghệ là góp phần nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng, tình cảm cách mạng, sự lạc quan, ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Văn hóa giáo dục là giúp con người hiểu biết quy luật phát triển của xã hội, đào tạo con người mới, cán bộ mới, đây là mục tiêu cao cả mà ngành giáo dục cần phải đặt ra cao hơn trong thời gian tới.

Văn hóa đạo đức, lối sống là nâng cao phẩm giá, phong cách lành mạnh cho con người, hướng con người vươn tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”.

Văn hóa pháp luật đảm bảo dân chủ, trật tự, kỷ cương, phép nước.

Để giúp cán bộ, đảng viên hoàn thiện được nhân cách văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh đến công tác chỉnh đốn Đảng. Tổ chức Đảng có vai trò đặc biệt trong việc rèn luyện, giáo dục, xây dựng nhân cách văn hóa cho từng cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu:

“Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có trọng tâm.

Chỉnh huấn cán bộ trước rồi mới chỉnh đốn chi bộ.

Chỉnh huấn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức.

Chỉnh huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo, vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng”.

 

Xuất phát từ những lời dạy của Người, chúng ta không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn. Những tiêu chuẩn đạo đức này là kết quả việc vận dụng lời dạy của Bác thực hiện kiên định, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương và trong văn hoá giáo dục như sau:

Thứ nhất, về kiên định.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính kiên định thể hiện ở sự kiên quyết lựa chọn và đi theo Chủ nghĩa Mác – Lênin vì “Chủ nghĩa Lênin... là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản”.

Học tập tính kiên định của Người, tất cả cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh định hướng cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Khơi dậy khát vọng chung tay xây môi trường văn hóa, là sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng cống hiến.

Thứ hai, về kỷ cương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao tính kỷ luật trong Đảng, vì sức mạnh của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên. Đối với việc đề cao tính kỷ cương chính là yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, nghiêm túc chấp hành quy chế, qui định của Đảng, Nhà nước, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành phân công nhiệm vụ của tổ chức theo nguyên tắc: Cá nhân tôn trọng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số; đồng chí, đồng nghiệp tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển. Nói đi đôi với làm, thu hẹp khoảng cách giữa chủ trương, kế hoạch với tổ chức thực hiện; nói và làm đúng vị trí, đúng vai, đúng việc, thuộc bài. Thường xuyên nghiên cứu thực chất, dạy và học thực chất, đánh giá thực chất, hiệu quả thực chất; cống hiến, phục vụ thực chất.

Thứ ba, về dân chủ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Luôn tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên để quyết định các hoạt động, chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần theo phương châm: Cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo là chủ thể cống hiến, đồng thời là chủ thể thụ hưởng theo nguyên tắc công bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với học sinh và phụ huynh.

Thứ tư, về đoàn kết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần đoàn kết, Người từng khẳng định: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi” , “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”.

Học tập và tiếp thu quan điểm của Người, tất cả cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo tiếp tục giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa Ban Giám hiệu với các địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài cùng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển, hợp tác thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, về nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu phải “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Từ bài học về sự nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần đặt ra yêu cầu phải phát huy tinh thần nêu gương của toàn thể cán bộ, đảng viên, thầy cô trong Nhà trường. Đó là, phải nêu gương thực hành các giá trị chuẩn mực về đạo đức: Kiên định, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nêu gương, đổi mới sáng tạo; nêu gương về tinh thần học tập tự giác, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; nêu gương về chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, tạo ra sự thay đổi tích cực của bản thân, tập thể, nhà trường; dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn và dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, nhà trường.

Thứ sáu, về vận dụng đổi mới, sáng tạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn đề cao và thực hành sáng tạo. Tư duy độc lập, sáng tạo của Người thể hiện trong lựa chọn con đường cứu nước, trong tiếp thu, vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong vận dụng các phương pháp cách mạng. Người xem đổi mới, sáng tạo “Là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi…” .

Để phát huy lời dạy của Bác chúng ta luôn chủ động đổi mới sáng tạo, cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời kiến tạo ra mô hình, sản phẩm, giá trị mới trong Nhà trường, nâng cao hình ảnh vị thế Nhà trường; linh hoạt, chủ động thích ứng với công việc mới, dám đương đầu và xử lý thành công những công việc khó, tạo ra sự đột phá nổi trội và khác biệt, khơi dậy niềm đam mê khát vọng của “người kỷ sư tâm hồn”.

Qua thực tế trên cho thấy, những lời dạy của Bác về xây dựng môi trường văn hóa trong giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý giá. Việc học tập và vận dụng lời dạy của Bác là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, cũng như vận dụng một cách sáng tạo vào trong lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, hiệu quả; nâng cao phẩm chất đạo đức và phong cách sư phạm của người giáo viên như lời Bác dạy: “Thầy, cô giáo dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”./.

 

Đỗ Thanh Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện

các tin khác