Bài viết - Phóng sự

Tự hào Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXII, năm 2024

09:21 27/03/2024

    

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXII năm 2024 diễn ra từ ngày 28 - 31/3 (nhằm ngày 19-22/2 âm lịch), tại Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây). Đây là lễ hội lớn của huyện được tổ chức hằng năm nhằm kỷ niệm 151 năm Ngày Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh; qua đó còn nhắc nhở thế hệ hôm nay luôn sẵn sàng tiếp bước truyền thống hào hùng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức xây dựng quê hương Châu Phú ngày càng giàu đẹp.

 

 

 

 

 

 

          Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Phú; ông Lê Cao Trí cho biết: "Nhằm thiết thực chào mừng Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXII năm 2024, kỷ niệm 151 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống thực dân Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, đơn vị đã đẩy mạnh công tác thông tin cổ động trực quan với nhiều cờ, phướn, khẩu hiệu, pa-nô, băng-rôn trên các tuyến đường trục chính và đường dẫn vào khu vực lễ hội. Đồng thời, vận động nhân dân treo đèn nết hoa dọc theo tỉnh lộ 945, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tự hào trong toàn thể nhân dân về truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc".

          Theo Lược sử địa phương ghi lại: "Đầu năm 1868, nhận thấy phải xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài, Trần Văn Thành lui về vùng đất mà ông và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang để xây dựng căn cứ Láng Linh - Bảy Thưa. Đây là căn cứ được xây dựng dựa vào thế đất hiểm trở, có hệ thống đồn phòng thủ xung quanh, tạo thế liên hoàn, có cả hệ thống rèn đúc, sản xuất vũ khí tại chổ. Đến năm 1872, Quản cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi binh chống Pháp, lấy hiệu "Binh Gia Nghị". Ông tổ chức nhiều đợt tấn công vào các nơi chiếm đóng của quân Pháp ở xung quanh căn cứ Bảy Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng... Sau nhiều lần quân Pháp tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, ngày 19-3-1873 (nhằm ngày 20-2 âm lịch, năm Quý Dậu), Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bảy Thưa với sự giúp sức của nhiều tên Việt gian. Sau một ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của Pháp, căn cứ Bảy Thưa thất thủ, Trần Văn Thành ra lệnh cho nghĩa binh và gia đình rút lui, tránh được tổn thất lớn lao, riêng ông đã mất tích..."

          Qua nội dung trên cho thấy, Trần Văn Thành còn là người anh hùng gần gũi nhân dân, anh dũng, không phục tùng trước thế mạnh của giặc ngoại xâm, đặc biệt là sự quan tâm lo lắng cho tính mạng của nhân thân, đồng đội và nhân dân.

         

        Tưởng nhớ công lao khai hoang, huấn luyện và chống giặc ngoại xâm của ông, nhân dân huyện Châu Phú đã lập Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành tại ruộng Láng Linh, với mong muốn được bảo vệ và bình yên trong cuộc sống. Là người con Châu Phú, ai cũng tự hào với truyền thống hào hùng của Đức Quản cơ Trần Văn Thành, từ người dân tại địa phương, hay những người đi làm ăn xa đều ghi nhớ những ngày Lễ thiêng liêng này. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, người dân địa phương đến cúng viếng chia sẻ: " Năm nào cũng vậy, cứ đến Lễ hội Trần Văn Thành dù có đi làm ăn xa đến đâu thì tôi cũng tranh thủ, sắp xếp thời gian về quê để đến Dinh ông Cố để cúng váy, cầu cho gia đình được mạnh khỏe, ấm no".

          Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Quản cơ Trần Văn Thành, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, nhân dân huyện Châu Phú đã kiên cường, bất khuất, vượt qua gian khổ, không tiếc hy sinh, góp phần vào sự nghệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là niềm cổ vũ to lớn để nhân dân huyện Châu Phú tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương./.

 

Kim Thúy

các tin khác