Bài viết - Phóng sự

Tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng

11:48 25/03/2024

    

Do lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nên đã để lại một lượng rơm rạ đáng kể trên đồng ruộng. Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân bà con nông dân vẫn còn thói quen đốt rơm rạ trước khi cày đất với nhiều lý do khác nhau.

 

 

Nông dân thường cho rằng việc đốt rơm rạ ngay tại đồng vừa giúp giảm chi phí xử lý, tiêu diệt mầm bệnh có trong đất (từ vụ trước còn lưu lại) và tận dụng lượng tro sau khi đốt để cải tạo đất… Tuy nhiên, thói quen này thật sự lại gây ra những tác hại lớn. Vào thời điểm này, nông dân các xã Bình Phú, xã Đào Hữu Cảnh bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông xuân 2023 - 2024. Lượng rơm rạ trên đồng ruộng còn rất lớn và hầu hết được bà con nông dân xử lý bằng cách đốt đồng. Tình trạng này cứ tiếp diễn suốt nhiều năm qua.

Ông Trần Văn Cư, xã Đào Hữu Cảnh, chia sẻ: Trước khi thu hoạch lúa, có người đến gặp tôi đặt mua rơm với giá 40.000 đồng/công, nhưng tôi không bán. Tôi nghĩ rằng nếu bán hết rơm, đốt không hết rạ thì lúa vụ sau không tốt, lúa vụ sau có nhiều sâu bệnh gây hại. Do vậy tôi để lại rơm rồi đốt.

Theo ngành chuyên môn, khuyến cáo việc đốt rơm rạ trên đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây lãng phí. Bởi, khi đốt đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ, tro than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng; việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất, trở nên chai cứng và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc đốt đồng còn tiêu diệt những sinh vật có ích, làm mất cân bằng sinh thái đồng ruộng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây phát triển sâu bệnh trên đồng ruộng.

 

Ông Hồ Đăng Long – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú, khuyến cáo: bà con không nên đốt rơm rạ trên đồng ruộng, vì khi đốt làm cho các chất hữu cơ có trong rơm rạ và trong đất biến thành các chất vô cơ. Phần tro của rơm rạ sau khi đốt chỉ cung cấp một phần dinh dưỡng rất nhỏ. Trong khi đó, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng làm mất đi một lượng lớn nước trong đất do bị bốc hơi, các keo đất không duy trì được và đất trở nên chai cứng, khô cằn. Việc đốt đồng còn có tác hại lớn là tiêu diệt nhiều vi sinh vật đất có ích, làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa – một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến cho việc sản xuất lúa ngày càng trở nên khó khăn, chi phí cao, hiệu quả thấp.

 

Hiện nay, có khá nhiều giải pháp xử lý rơm rạ. Giải pháp đầu tiên là mang hết rơm ra khỏi ruộng, sau đó tận dụng lượng rơm này trồng nấm để tăng thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong có thể dùng làm phân hữu cơ cung cấp cho đồng ruộng, giúp đất tơi xốp và duy trì độ màu mỡ. Bán rơm để sử dụng trồng màu cũng là một giải pháp giúp bà con có thêm thu nhập từ loại phụ phẩm này. Nếu không có điều kiện đem rơm ra khỏi đồng ruộng thì nên xử lý bằng cách cày vùi để duy trì lượng đạm trong đất. Tuy nhiên, để rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, bà con có thể dùng các chế phẩm sinh học có bán khá nhiều trên thị trường.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo, để hạn chế rơm, rạ trên ruộng, nông dân có thể sử dụng một số sản phẩm sinh học phun đều trên ruộng để làm phân hủy rơm, rạ trước khi cày hoặc chủ động thu gom rơm rạ về để sử dụng trong việc trồng trọt, chăn nuôi, vừa tăng thu nhập, vừa tốt cho đồng ruộng.

Đặng Trang

các tin khác