Văn hóa

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2023

02:09 30/12/2023

    

Đối ngoại nâng tầm vị thế Việt Nam; Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng; Xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới; … là những sự kiện nổi bật năm 2023 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

 

1. Đối ngoại nâng tầm vị thế Việt Nam

Các chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam tới nhiều quốc gia khắp các châu lục sôi động suốt năm qua, trong đó có những đối tác quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chiều ngược lại, nhiều nguyên thủ quốc gia đã thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng.

 

Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai.

Tại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nước đã xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

 

Kết quả đối ngoại năm qua "có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước", tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá.

2.Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị

Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Theo quy định trên, lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ; cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Việc ban hành Quy định 96 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi," "tự sửa," tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo quy định này và các văn bản liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp).

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa rất quan trọng trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Điều này là động lực để người được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa”, phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm để tiếp tục hoàn thiện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao phó.

3. Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng

Năm 2023, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

          

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 dự báo tăng khoảng 5 - 5,5% (bình quân 3 năm đạt khoảng 5,4%, cao gấp 1,7 lần mức bình quân của thế giới là 3,2%) với nhiều tín hiệu tích cực: xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD - cao nhất kể từ năm 2009; vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, trong đó vốn đăng ký đạt 28,85 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 20,25 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022....

Năm 2023, Việt Nam có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 51% sau 3 quý đầu năm 2023 là kết quả rất đáng khích lệ. 

Hệ số tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được đảm bảo, đặc biệt các chỉ số về nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều dưới ngưỡng và cách khá xa hạn mức Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỉ giá khá ổn định và lạm phát được kiểm soát bình quân 3 năm (2021-2023) khoảng 2,8% (dưới ngưỡng mục tiêu 4%).

4. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa ý nghĩa lịch sử, thời đại của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Trọng tâm nổi bật là Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” diễn ra tại Hà Nội và được phát trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước.

Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt cũng đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội với chủ đề: “Đề cương Văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử”. Bên cạnh đó, các hoạt động Hội thảo, Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng đã được tổ chức…

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 5. Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới

 

Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Đây là Di sản Thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO vinh danh, là niềm tự hào đồng thời cũng đem lại bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc kết hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới.

6. Xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng

Trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cán bộ đương chức và cả cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm. 

Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương. Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến cán bộ cao cấp ở địa phương.

Trong năm 2023, các Tòa án đã phối hợp với Viện Kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được dư luận xã hội quan tâm. Điều đặc biệt là trong một số vụ án lớn, các bị cáo vắng mặt nhưng tòa vẫn đưa ra xét xử.

Nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

7. Vụ cháy chung cư mini đặc biệt nghiêm trọng làm 56 người thiệt mạng

Vụ cháy chung cư mini xảy ra rạng sáng 13/9 tại quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số người tử vong lên đến 56 người và 37 người bị thương.

Liên quan đến vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 796/CĐ-TTg yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm.

 

Sau vụ cháy, với tinh thần tương thân, tương ái, các cấp, ngành, MTTQ các cấp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho các nạn nhân và người thân với tổng số tiền là 130,12 tỷ đồng.

Vụ cháy đã rung lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý  loại hình chung cư mini; các quy định phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ…, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

8. Tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu và đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư, y tế

Tình trạng thiếu vật tư, hóa chất điều trị bắt đầu và kéo dài từ giữa năm 2022 đã ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động khám chữa bệnh và quyền lợi bệnh nhân.

Ảnh hưởng từ tình trạng này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phải hạn chế phẫu thuật và chỉ ưu tiên trường hợp cấp cứu. Hai bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy phải gửi bệnh nhân đến nơi khác chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ phải tìm cách "chữa cháy", sử dụng thuốc thay thế, tìm nhiều biện pháp chưa được ghi nhận trong các phác đồ để cứu bệnh nhân. Nhiều bệnh viện vay mượn thuốc lẫn nhau, bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra ngoài viện mua thuốc, vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả.

Bộ Y tế cho rằng thiếu vật tư, hóa chất điều trị chủ yếu do vướng mắc pháp lý và tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị, địa phương trong mua sắm, đấu thầu. Để nhanh chóng giải quyết vấn đề nóng này, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP để tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu và đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế.

Sau khi Nghị quyết số 30/NQ-CP được ban hành, Bộ Y tế đã tích cực triển khai đến các đơn vị, địa phương và trên thực tế đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, "nút thắt", điểm nghẽn trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế.

Nghị định 07/2023/NĐ-CP được ban hành đã cho phép nhập khẩu thông quan, cấp phép cho các thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất; tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho ngành cũng như những vướng mắc của doanh nghiệp.

Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2024 được kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng trên.

9. Thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia - không lái xe”

Trong 9 tháng đầu năm 2023, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia giảm 25,8%, (xuống 222), số người chết giảm 50% (xuống 99) và số người bị thương giảm 22,6% (xuống 168) so với cùng kỳ năm trước.

 

Đến hết tháng 11, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 670.623 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý đã xử lý không ít trường hợp cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

          Việc xử lý nghiêm vi phạm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn giao thông, hình thành văn hóa “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, được dư luận đồng tình ủng hộ.

10. Bước tiến của ngành bán dẫn

Năm  2023 đánh dấu bước nhảy vọt của ngành vi mạch bán dẫn.

Đầu năm nay, FPT Semiconductor đã có những đơn hàng chục triệu chip với các đối tác nước ngoài. Đến tháng 10, Viettel ra mắt chip 5G đầu tiên, chứng minh việc các doanh nghiệp Việt đã có thể làm chủ các công đoạn thiết kế chip công nghệ cao.

Năm 2023 cũng ghi nhận hàng loạt thỏa thuận trong hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam với quốc tế. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9, đây là một trong những lĩnh vực được hai bên quan tâm thảo luận, trong đó Mỹ hứa hẹn khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn cho Việt Nam. Tuyên bố chung khẳng định hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Ngay sau đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, một số thỏa thuận ký kết cũng được thực hiện với các hãng bán dẫn lớn của Mỹ như Synopsys, Qualcomm, Marvell để xây dựng các trung tâm nghiên cứu cũng như đào tạo nhân sự.

Năm nay cũng đánh dấu Việt Nam sẽ sớm có thêm những nhà máy tỷ USD trong lĩnh vực chip. Sau Intel, hai tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực đóng gói và kiểm thử là Amkor và Hana Micro tuyên bố đầu tư lần lượt 1,6 và 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam. Tại cuộc gặp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháng 12, đại diện Hiệp hội bán dẫn Mỹ SIA khẳng định “nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ” vào Việt Nam, minh chứng cho vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn./.

Thanh Cao ST

các tin khác