Văn hóa

Xây dựng văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia

12:39 12/11/2023

    

Với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hoá ẩm thực (VHAT) Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”. Thông tin như sau:

 

 

Thừa Thiên Huế có nhiều món được vinh danh nhất trong “Hành trình tìm kiếm giá trị văn hoá ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” giai đoạn I. Cụ thể, mới đây, Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã trao chứng nhận 6 món ẩm thực tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có: bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay. Đây là các món có tên trong danh sách 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I - năm 2022, thuộc Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024” của VCCA.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Tân, Phó Chủ tịch VCCA cho biết, với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hoá ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, VCCA đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”.

Đề án này tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của VHAT Việt Nam nhằm xây dựng “Hành trình tìm kiếm giá trị VHAT tiêu biểu Việt Nam - Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến Ẩm thực Việt Nam”. Trên cơ sở đó, các sản phẩm của Đề án sẽ góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua VHAT, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Lê Tân, nhân dịp này, VCCA chính thức khởi động giai đoạn năm 2023 của Đề án với Chương trình “Món ngon quê tôi” được đề cử bởi cộng đồng chuyên gia, đầu bếp, doanh nghiệp nhà hàng, ẩm thực và các cơ quan, ban, ngành trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả chương trình sẽ được quyết định thông qua đánh giá, bầu chọn bởi các chuyên gia và cộng đồng ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, VCCA sẽ tiếp tục triển khai dự án tập trung vào hành trình tìm kiếm giá trị VHAT tiêu biểu Việt Nam (với Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu); Bảo tàng số VHAT Việt Nam với ba tiêu chí: Bảo tồn giá trị Văn hóa Ẩm thực; Đề cao khoa học dinh dưỡng; Phát triển kinh tế ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia.

Trước đó, trong giai đoạn I (năm 2022), VCCA đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực tiêu biểu từ 60/63 tỉnh, thành phố. Cùng với sự vào cuộc của các nhà khoa học trong lĩnh vực văn hoá lịch sử, công nghệ thực phẩm, kinh tế; nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực tên tuổi trong nước; chuyên gia quản lý văn hoá điểm đến du lịch trong nước và quốc tế, VCCA đã lựa chọn vinh danh 121 món ẩm thực hồi cuối tháng 9/2023.

 

Ông Lê Tân khẳng định, với mục tiêu tạo ra các giá trị, lợi ích gắn với địa phương là trọng điểm của Đề án giai đoạn 2023 - 2024, VCCA Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ theo hướng định hình chiến lược phát triển VHAT địa phương; đồng hành hỗ trợ hình thành và tổ chức các sự kiện lễ hội cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái VHAT; truyền thông quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá, dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực hướng đến mục tiêu phát triển du lịch ẩm thực của các địa phương, đặc biệt là hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động VHAT của các địa phương mà trước mắt là Thừa Thiên Huế trên cùng một nền tảng Bản đồ, Bảo tàng ảo VHAT Việt Nam…

 

Thanh Cao ST

các tin khác