Ứng dụng công nghệ cao

Châu Phú triển khai thí điểm phần mềm Apps nhận diện sinh vât gây hại trên lúa ngoài đồng ruộng

09:01 13/01/2022

    

Ngày 12/01/2022, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang phối hợp với Cục bảo vệ thực vật, tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel và tập đoàn Lộc Trời tổ chức triển khai thí điểm phần mềm Apps nhận diện sinh vật gây hại trên đồng ruộng, điểm tại ấp Bình Chánh 2, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cho hơn 80 bà con nông dân các xã Bình Mỹ, Bình Thủy và Bình Chánh tham gia. Được biết, từ ngày 12/01 – 13/01/2022, các đơn vị phối hợp sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” thực tế trên đồng ruộng cho tất cả nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú.

Tham gia chương trình, bà con nông dân sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt phần mềm trên điện thoại thông minh và có buổi thực tế, trải nghiệm ứng dụng tại đồng ruộng để có thể kiểm chứng, đánh giá kết quả ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” thông qua điện thoại. Mục đích triển khai ứng dụng là nhằm cung cấp cho nông dân chức năng tự động nhận diện loài sinh vật gây hại qua ảnh chụp và có thể tra cứu thông tin về sinh vật gây hại gồm: hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ, văn bản, tài liệu bảo vệ thực vật, quy trình phòng, chống sinh vật gây hại do Cục Bảo vệ thực vật ban hành. Những thông tin cảnh báo, khuyến cáo về sinh vật gây hại, trang thư viện sinh vật gây hại cung cấp thông tin hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ loài sinh vật gây hại trên cây lúa, trang tin tức để nông dân có thể xem các tin tức về nông nghiệp, nông sản, tin bảo vệ thực vật trên ứng dụng từ điện thoại thông minh có kết nối internet v.v… Trường hợp nông dân khi gặp khó khăn cần hỗ trợ hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin có thể tự đặt câu hỏi trên công cụ trợ lý ảo, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý ngôn ngữ được tích hợp trong ứng dụng để sẵn sàng hỗ trợ mọi lúc mọi nơi.

Với những tính năng của ứng dụng “nhận diện sinh vật gây hại lúa” hướng tới sẽ giúp nông dân chủ động tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao hiểu biết trong việc sử dụng quy trình canh tác nông nghiệp thông minh, chính xác, đảm bảo chi phí sản xuất phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả trong canh tác sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Kim

các tin khác