Ứng dụng công nghệ cao

Bưởi da xanh cho thu nhập cao trong dịp tết

11:06 10/01/2019

    

Đây là lần thứ 2, chúng tôi trở lại thăm gia đình ông Trần Thanh Trương, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây, theo chân ông, chúng tôi có dịp tham quan vườn bưởi da xanh, ruột hồng xanh tươi, sai trĩu quả rộng khoảng 3.600m2, với 200 gốc bưởi được ông trồng đến nay vừa tròn 4 năm tuổi, mới thấy hết được hiệu quả cũng như giá trị kinh tế của loại cây này mang lại, cộng với sự cần cù, vất vả của người nông dân để cho ra những quả ngọt từ chính trên mảnh đất, thửa ruộng của mình.
Responsive image

Vườn Bưởi da xanh của hộ ông Trần Thanh Trương, ngụ ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây mang lại hiệu quả kinh tế 

 

Chỉ tay về hướng những cây bưởi đang sai trái, ông Trương phấn khởi chia sẻ: “Tôi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân khác ở địa phương cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng một số loại cây ăn trái giá trị như: cam sành, quýt đường, xoài, mít, bưởi da xanh v.v… Hiện tại đem lại hiệu quả khá cao so với lúa”. Ngoài trồng bưởi, cùng diện tích nói trên, ông Trương còn lên líp trồng khoảng 400 gốc cam xoàn, sinh trưởng và phát triển đến nay được 3 năm, đang trong giai đoạn trỗ bông sẽ hứa hẹn cho vụ thu hoạch bội thu. Bên cạnh đó, ông còn kết hợp thã cá dưới ao, nuôi cá tai tượng để bán kiếm thêm nguồn thu nhập, trang trải, đầu tư chi phí phân, thuốc cho mảnh vườn. Đồng thời, ông còn thực hiện việc chiết cành, bán cây giống cho nhiều hộ dân có nhu cầu về cây giống, với mỗi gốc bưởi giống được chiết, với giá 25.000 đồng/cành. Nhờ thế việc chuyển đổi sản xuất của gia đình ông đã dần trở nên ổn định hơn.

Theo ông Trương, trọng lượng mỗi trái bưởi đến thời kỳ thu hoạch, bưởi loại 1 phải đạt từ 1,3 kg trở lên thì mới đạt yêu cầu. Dự kiến dịp tết Nguyên đán năm nay, vườn bưởi của gia đình sẽ cho thu hoạch khoảng hơn 2 tấn trái, với giá dao động trung bình từ 40.000 đồng/kg - 50.000 đồng/kg như mọi năm, sau 2 năm cho trái chiến, gia đình ông đã có thể thu về đủ vốn đầu tư ban đầu và tiếp tục thu lời ở những năm tiếp theo. Để có được những trái bưởi to tròn và đẹp, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng, nhà vườn như ông đã phải bỏ ra biết bao công sức, mới thành công như hôm nay.

Theo số liệu thống kê, đến nay toàn xã đã vận động chuyển đổi canh tác được khoảng 105 hécta/120 hécta theo chỉ tiêu huyện giao từ đây đến giai đoạn năm 2020, trong đó có hơn 180 hộ dân tham gia chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ăn trái. Nhìn chung, hiệu quả từ việc chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi da xanh của người dân đã dần mở ra một triển vọng mới trong sản xuất. Do giá cả luôn giữ ở mức ổn định, cho thu nhập cao hơn hẳn những loại cây ăn trái khác và có thể cho trái quanh năm, vì vậy cây bưởi da xanh hiện nay rất thu hút và hấp dẫn người trồng. Tới đợt thu hoạch, chỉ cần gọi điện cho hay, thương lái đến tận vườn thu mua và tự cắt trái vận chuyển đi tiêu thụ nên cũng rất tiện lợi cho nông dân.

Để hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật cho nông dân, gắn bó lâu dài với nghề làm vườn, nhất là các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả, địa phương cũng đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật làm vườn cho hộ dân. Hy vọng với những chủ trương hợp lý cùng với cách làm hiệu quả, sẽ góp phần mở ra hướng đi mới bền vững cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển ổn định./.

Nguyễn Kim (Đài Truyền thanh huyện Châu Phú)

các tin khác