Học tập theo gương Bác

BÁC HỒ VỚI VIỆC XÂY DỰNG NỀN PHÁP LUẬT VIỆT NAM

10:39 06/11/2023

    

Ngày Pháp luật 9/11 còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

 

Cứ đến những ngày này chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ, nhớ đến những công lao to lớn mà Người đã để lại cho đất nước Việt Nam. Trong số những thành tựu quý báu ấy, không thể không kể đến giá trị quan điểm lập pháp, cũng như bản Hiến pháp năm 1946 do Người làm Trưởng ban soạn thảo. Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện vô cùng sâu sắc tư tưởng pháp quyền, tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong việc xây dựng Nhà nước kiểu mới ở nước ta.

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước ta phải là pháp luật thật sự dân chủ và nó phải bảo vệ quyền dân chủ tự do rộng rãi cho nhân dân lao động. Bản chất dân chủ của pháp luật kiểu mới là hệ thống pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.

Người đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác. Nhân dân có quyền bầu ra các đại biểu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân và có quyền bãi miễn những đại biểu ấy, nếu họ tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình. Và Bác cũng chỉ ra, Nhà nước hợp hiến, hợp pháp, quản lý xã hội bằng pháp luật phải đi đôi với kết hợp với giáo dục đạo đức.

Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong quản lý nhà nước và xã hội. Là người theo lập trường Mácxít về Nhà nước và pháp luật. Tư tưởng và hành động của Người đã chứng minh điều ấy. Tuy nhiên dưới lập trường là một người Á Đông, vốn sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, thấu hiểu tư tưởng Nho giáo cũng như bản chất và những giới hạn vốn có của pháp trị, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hoá một trong hai công cụ quản lý nhà nước ấy. Theo Người, đạo đức là gốc của pháp luật, còn pháp luật chính là đạo đức chuẩn mực trong xã hội. Đạo đức và pháp luật là hai thành tố quan trọng, có mối quan hệ biện chứng với nhau: Pháp luật là “đạo đức tối thiểu”, đạo đức là “pháp luật tối đa”. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện cần được xây dựng trên nền tảng đạo đức cụ thể, ngược lại, pháp luật chính là công cụ, biện pháp để xã hội thực hành các chuẩn mực đạo đức. Đạo đức là cơ sở ban đầu, phương tiện hữu hiệu để pháp luật được thi hành một cách tự giác, nghiêm minh; là “khuôn mẫu” điều chỉnh hành vi khi xã hội loài người phát triển đến trình độ nhất định.

Từ năm 1919, trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xay, Người đã phê phán mạnh mẽ, toàn diện chế độ cai trị thuộc địa, chế độ nhà nước, pháp luật tư sản, qua đó yêu cầu “cải cách nền pháp lý Đông Dương,... thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”, đến việc kiên trì giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, nhân dân, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Sự kết hợp này không mang tính rập khuôn, máy móc mà hết sức linh hoạt, cụ thể. Chính vì vậy, cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tấm gương sáng ngời về tinh thần đề cao, tôn trọng pháp luật song song với việc kiên trì và bền bỉ trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Để vận dụng tư tưởng của Bác về xây dựng nền pháp luật Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của lãnh đạo đơn vị, địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực pháp luật tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, làm điểm các mô hình hay có hiệu quả để từ đó nhân rộng mô hình, đề xuất khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật có hiệu quả tại đơn vị, địa phương./.

Đỗ Thanh Phong - Phó Giám đốc TTCT huyện

các tin khác